Các yếu tố gây sâu răng

       
Sự phát triển của sâu răng là sự kết hợp của nhiều yếu tố nội tại cũng như ngoại lai, tác động của mỗi yếu tố vẫn chưa được hiểu đầy đủ và rõ ràng, chúng khác nhau rất nhiều giữa các cá thể. Tuy nhiên có tối thiểu 3 yếu tố chính đồng thời tương tác với nhau để tạo nên sâu răng, đó là một răng nhạy cảm, mảng bám vi khuẩn, lớp nền (substrate) thuận lợi  (Keyes, 1962), ngoài ra cần phải có một thời gian đủ để các yếu tố trên hoạt động và tạo nên sang thương sâu.
         2. Răng
Là yếu tố đầu tiên phải có, sự hiện diện của 1 răng nhạy cảm trong môi trường miệng góp phần cho sự khởi phát sâu răng, một số yếu tố làm tăng tính nhạy cảm của răng như hình thái răng, vị trí trên cung hàm, cấu trúc men, hình thái đường nối men-cement, sự lộ bề mặt chân răng, tính chất hóa học của men, ngà, cement…
2.1 . Hình thái học của răng
Sâu răng thường phát triển ở những bề mặt răng đặc biệt như: rãnh mặt nhai răng cối lớn, mặt gần và xa của răng cối lớn thứ nhất, mặt gần của răng cối lớn thứ hai, mặt xa răng cối nhỏ thứ hai, mặt xa và gần của răng cối nhỏ thứ nhất hàm trên, mặt xa răng nanh và mặt gần răng cối nhỏ thứ nhất hàm dưới, mặt tiếp cận các răng cửa hàm trên. Đây là những mặt mà mảng bám dễ tích tụ và khó chải sạch.
2.2. Vị trí các răng trên cung hàm
Răng mọc không ngay ngắn, chen chúc gây tích tụ nhiều mảng bám và khó làm sạch bằng các phương pháp vệ sinh
2.3. Cấu trúc của răng
Sự khiếm khuyết trong lúc hình thành chất cơ bản, tạo khuôn, sự khoáng hóa kém, bề mặt men lỗ rỗ ghồ ghề…tạo điều kiện cho sự lưu giữ mảng bám và dễ bị hòa tan chất khoáng.
2.4. Đường nối men-cement
Đây là vùng lưu giữ mảng bám, cho nên sự thay đổi bề rộng của đường này cũng ảnh hưởng đến sự gia tăng sâu chân răng giống như sự lộ chân răng ở người lớn tuổi.
2.5.  Thành phần hóa học của men răng
Men của răng đang mọc dễ bị sâu hơn răng đã mọc trong môi trường miệng một vài năm, do khi mới mọc men có thành phần apatite chứa nhiều carbonate là dạng tinh thể dễ bị tác dụng bởi acid. Với thời gian và sau nhiều chu kỳ mất / tái khoáng hóa, nhóm carbonate được thay thế bởi nhóm hydroxyl hoặc fluor, đó là quá trình chín mùi của men răng và chúng đề kháng hơn với acid.
3.    Mảng bám vi khuẩn 
Đối với bất kỳ một tiến trình bệnh lý nào, không chỉ có ký chủ mà còn phải có tác nhân. Trong trường hợp sâu răng, ký chủ là răng và tác nhân là vi khuẩn gây sâu răng, tập trung và kết dính với nhau bởi chất gian bào tạo thành một quần thể gọi là mảng bám, dính vào răng và nướu. Mảng bám chứa các vi khuẩn và thành phần vi khuẩn sẽ thay đổi tuỳ theo vị trí, cá thể và  tuổi.
Mảng bám răng (dental plaque) được hình thành từ một lớp gọi là màng bám (pellicule acquise) phát triển từ chất glycoprotein có trong thành phần nước bọt, bám chặt vào bề mặt răng. Màng này nhanh chóng bị vi khuẩn xâm chiếm liên tục. Trên những mặt láng, tác nhân chủ yếu gây sự thành lập mảng bám là Streptococcus mutans, vốn có khả năng sinh polysaccharide ngoại bào có tính dính tên là dextran. Qua việc sinh dextran, những quần thể vi khuẩn này có thể nhân lên và bám trực tiếp vào các bề mặt răng. Sự tăng sinh của mảng bám chịu sự tác dụng hỗ tương của nhiều yếu tố: yếu tố nguyên nhân, yếu tố nội tại, ngoại lai, yếu tố bảo vệ... (vi khuẩn, sức đề kháng của ký chủ, điều kiện tại chỗ), sự tích tụ mảng bám răng kéo theo sự tăng tiết dịch nướu, mà dịch nướu thì lại làm tăng sự bám dính và tăng sinh vi khuẩn, nếu lúc đó có 2 yếu tố: chất đường và thời gian cùng hiện diện sẽ đủ điều kiện thuận lợi khởi phát sâu răng.
Người ta đã chứng minh S. mutans có liên quan trực tiếp với sự hình thành sâu răng ở hố rãnh cũng như các mặt láng. Vi khuẩn tăng trưởng theo số răng hiện diện và vị trí thường gặp nhất của những quần thể ban đầu dường như là mặt bên của các răng cối. Sinh thái học của hệ vi sinh mảng bám rất đa dạng, gồm: vi khuẩn hiếu khí và  yếm khí.
Khi sang thương sâu tiến vào trong ngà, người ta cấy được chủng vi khuẩn gây sâu răng khác, đó là Lactobacillus acidophillus. Như vậy, S. mutans gây khởi phát sang thương sâu, bằng cách dính vào bề mặt răng qua trung gian của dextran hoặc lưu giữ cơ học tại hố rãnh, trong khi L. acidophillus làm sang thương tiến triển xuống bên dưới bề mặt.
Một số nghiên cứu cho thấy  nhiều dòng Streptococcus có thể gây sâu răng trên vật nuôi trong phòng thí nghiệm như S. mutans, S. sanguis, S. salivarius, S. milleri, một số dòng Actinomyces cũng gây sâu răng trên thú và mặt chân răng ở người. Như vậy S. mutans có thể gây khởi phát sâu răng nhưng không phải duy nhất, tuy nhiên để khởi phát sâu răng, một điều chắc chắn là vi khuẩn đó phải là loại vi khuẩn sinh ra acid và có thể phát triển được trong môi trường acid. Một số công trình nghiên cứu cho thấy tỉ lệ S. mutans trong mảng bám có thể xác định được mảng bám đó có thể gây sâu răng (> 2%) hoặc không (< 0,1%), tương tự như thế số lượng mảng bám nhiều (độ 4 và 5)  hay ít (độ 1 và 2) sẽ có khả năng gây sâu răng nhiều hoặc ít trên nhóm nghiên cứu có cùng một tiêu chuẩn về vệ sinh răng miệng và vi sinh vật trong miệng.
Mảng bám với số lượng ít không nhìn thấy được bằng mắt thường, chỉ phát hiện được bằng chất nhuộm màu eosine, thông thường mảng bám có thể quan sát rõ trên bề mặt răng hoặc dọc theo bờ nướu. Để chỉ số lượng mảng bám nhiều hay ít, có thể dùng chỉ số PI (Plaque Index) của Sillness và Loe (1964).
4.    Carbohydrate
        Vi khuẩn gây sâu răng sau khi nhiễm vào môi trường miệng, tự nó sẽ không gây sâu răng được, cần phải có sẵn nguồn chất nền cho sự chuyển hoá của vi khuẩn. Các loại carbohydrate tinh chế, đặc biệt dưới dạng sucrose là chất ưa thích của vi khuẩn gây sâu răng. Vi khuẩn chuyển hoá sucrose để tạo ra dextran, ngoài ra vi khuẩn còn làm lên men carbohydrate, dẫn đến sự hình thành acid làm thay đổi nồng độ acid và giảm pH trong môi trường miệng. Khi pH giảm đến khi đủ thấp (< 5,5) thì có sự mất khoáng men, quá trình sâu răng bắt đầu.
         Sâu răng liên hệ chặt chẽ với lượng sucrose trong chế độ ăn uống vì nó hổ trợ cho sự bám dính của S. mutans, S. mutans sử dụng đường để tạo ra polysaccharide làm khung (matrix) cho mảng bám vi khuẩn và là thực phẩm cho vi khuẩn. Nếu ít đường thì khung mỏng có thể bị nước bọt loại trừ, ngược lại, đường nhiều thì khung dày, nước bọt không trung hoà kịp làm pH giảm. Đồng thời số lần ăn đường cũng ảnh hưởng đến sự giảm pH nhanh hay chậm, pH giảm nhanh sẽ làm pH thấp (acid) gây nên mất chất khoáng ở men răng, pH giảm chậm, nước bọt có thể trung hoà lúc đó có sự tái tạo lại cấu trúc răng gọi là tái khoáng hoá. Sự mất khoáng và tái khoáng phụ thuộc vào pH acid hay trung hoà, có nghĩa là phụ thuộc số lần ăn đường.
         Như vậy, quá trình mất khoáng này ngay từ lúc đầu có thể phục hồi hoặc giảm mức độ đi nhờ các thành phần khác nhau trong nước bọt. Tốc độ tiết và khả năng đệm của bicarbonate trong nước bọt tăng lên, sẽ góp phần làm giảm tác động sinh acid của vi khuẩn. Các chất khoáng khác trong nước bọt như fluor, calcium và phospho sẽ góp phần tái khoáng hoá bề mặt, cuối cùng quá trình sâu răng còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố quan trọng nữa đó là thời gian.
5.   Thời gian
        Có nhiều nghiên cứu cho thấy sâu răng xuất hiện ở trẻ không phải chỉ do số lượng carbohydrate tiêu thụ mà còn do độ đậm đặc và số lần sử dụng, vì thế thói quen ăn uống đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
         Do pH mảng bám acid kéo dài đến 30 phút sau khi dùng carbohydrate, nên nếu dùng lặp lại dưới dạng ăn vặt giữa các bữa ăn chính có thể làm cho tình trạng acid tấn công gần như thường xuyên diễn ra trên bề mặt răng. Nếu có đường trong miệng thường xuyên hoặc kéo dài thì thời gian của quá trình tái khoáng bị thu ngắn theo.
        Vonder Fehn (1970) nghiên cứu cho thấy, nếu sử dụng đường 9 lần / ngày, và không vệ sinh răng miệng, với sự tích luỹ mảng bám thì dấu hiệu sâu răng trên lâm sàng ở men răng sẽ phát triển trong vòng 3 tuần, tuy nhiên khi lập lại thí nghiệm trên với sự có mặt của dung dịch chlorhexidine 0,2% thì sâu răng không phát triển.

About Nha Khoa Dana

Hi, I’m Phạm Minh Tuấn. I’m a doctor living in Việt Nam. I am a fan of photography, technology, and music. I’m also interested in travel and coffee. You can visit my company website with a click on the button above.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét