Các dị dạng ở thân và chân răng

Dị dạng răng là những bất thường có thể có từ lúc sinh ra hoặc trong quá trình phát triển và mọc răng.

1. Dị dạng ở thân răng

1.1. Dị dạng ở múi răng:
 Răng có hình dạng tổng quát giống răng bình thường, chỉ có sự thay đối về số múi hay về kích thước của múi. Răng thường bị dị dạng nhất là răng cửa hoặc răng cối.
- Talonid hay múi talon: là một múi phụ nằm ở mặt lưỡi của răng cửa hay răng nanh là phần kéo dài của cingulum.
- Múi Carabelli: là một múi nhỏ gắn vào mặt trong của răng số 6 hàm trên. Múi này có thể mờ hay nhô cao, thông từ cổ răng đến mặt nhai. Khi múi này to nó còn được gọi là múi Sabouraud.
- Múi Block: là một múi nhỏ gắn vào mặt ngoài của răng cối thứ hai và răng khôn.
Múi Carabelli và múi Block chỉ là múi dư, chứ không phải là loạn dưỡng do bệnh giang mai bẩm sinh như theo quan niệm của một số tác giả thời trước.
- Đường viền hoa của bờ cắn răng cửa : bờ cắn của răng cửa mới mọc có 3 múi. Đó là sự dính lại của 3 múi tạo thành thân răng cửa. Sau khi nhai một thời gian, bờ cắn sẽ bị mòn và thành một đường thẳng. Trong trường hợp răng không ăn khớp với răng đối diện thì bờ viền hoa này vẫn tồn tại.
1.2. Răng sinh đôi (Gemination)
 Một mầm răng duy nhất sẽ chia thành hai răng, hai răng này không hoàn tất hẳn. Răng sinh đôi thường có một chân, một ống tuỷ chân răng nhưng hai chân răng riêng rẽ hoặc dính nhau một phần. Số răng trên cung hàm đều đủ, có khi không thể phân biệt giữa răng sinh đôi và sự dung hợp giữa một răng và một răng dư.
1.3. Răng dung hợp (Fusion)
 Hai mầm răng riêng rẽ sẽ bị dính vào nhau, ở một giai đoạn nào đó của sự thành lập răng. Sự dung hợp có thể hoàn toàn hay không hoàn toàn (hai răng chỉ dính ở đoạn thân răng), chỉ có sự dung hợp khi có sự dính liền ngà răng của hai răng kế cận. Răng dung hợp có thể có 1 hay 2 ống tuỷ chân răng. Trên cung hàm thấy thiếu một răng. Có thể có sự dung hợp giữa hai răng thường, hay giữa một răng thường và một răng dư.
1.4. Răng dính hay răng đồng triển (Concrescence)
 Đây là một lọai dung hợp, nhưng chỉ xảy ra sau khi chân răng đã được hoàn tất. Hai răng kế cận dính vào nhau bởi chất Cement ở phần chân răng. Cũng như sự dung hợp, sự đồng triển xảy ra do chấn thương đẩy hai răng kế cận dính vào nhau.
1.5. Răng trong răng (Dens in dens, dens invaginatus)
 Là một dị dạng do một răng bị lồng bên trong một răng khác. Răng ngoài là một răng cửa dị dạng có cingulum nhô cao và cổ răng hơi phình, lỗ chóp răng mở rộng. Răng bên trong dính bằng một chân răng nhỏ dính vào thành buồng tủy hay ống tuỷ chân răng. Răng này được tạo thành bởi ngà bao xung quanh, men hay cement phía trong. Những mô này được sắp xếp theo một thứ tự ngược lại với thứ tự bình thường, tức là men ở trong ngà và men tiếp giáp với một xoang trung tâm nhái lại buồng tủy, xoang này thông ra ngoài bởi một ống nhỏ tận cùng ở cingulum, hay ở một rãnh phân chia hai múi răng.
          Hiện tượng răng trong răng là do lớp tế bào tạo men ở cơ quan sinh men bị đẩy lộn vào trong tuỷ, từ đó nó sẽ thành lập một lớp men Chung quanh đó có nhiều tế bào tạo ngà sẽ được kích thích để đắp nhiều lớp ngà.
          Vì sự thông thương với môi trường miệng và xoang men trung tâm được coi như một lỗ sâu, các chất cặn bã và vi khuẩn sẽ tích tụ nơi đó và sâu răng sẽ phát triển quanh chóp, thường xảy ra ở răng trong răng. Trường hợp răng trong răng thường được phát hiện qua phim tia X hoặc bởi sự đau xuất hiện ở một răng mà bề ngoài còn nguyên vẹn.
2. Dị dạng ở chân răng
Chân răng có nhiều thay đổi về số lượng và hình dáng. Răng hay có dị dạng chân răng là răng cối nhỏ và răng cối lớn. Sau đây là một số dị dạng chính của chân răng.
- Răng cửa và răng nanh: chân răng cong hình móc, thường là cong ra sau, có khi cong 2, 3 chiều hướng khác nhau, hình Z, hình S hay hình lưỡi lê. Có khi hai chân răng riêng rẽ hoặc một chân răng chia đôi ở 1/3 chóp răng.
- Răng cối nhỏ: răng có thể có hai chân hoàn toàn riêng rẽ chia từ cổ răng. Có một vài trường hợp có 3 chân răng.
- Răng cối lớn: số chân răng có thể tăng 4-5, và cũng có thể giảm xuống 1 vì các chân răng dính lại với nhau, thường ở răng cối dưới, nhất là răng cối thứ hai thường hai chân gần, xa bị dính nhau. Ở răng cối trên, hai chân ngoài thường dính nhau.
         Chiều hướng chân răng thay đổi rất nhiều. Chân có thể cong hình móc, hình chữ S, hai chân răng thường có hướng hội tụ vào nhau, chẳng hạn hai chân gần và xa của răng cối dưới hội tụ vào nhau làm kẹt ở giữa một khoảng xương ổ răng. Hoặc hai chân hướng phân kỳ, khiến cho đường kính trong xương ổ lớn hơn đường kính của thân răng, do đó khi nhổ dễ bị gãy răng hay gãy bờ xương ổ. Ở răng khôn, nhất là răng khôn dưới, rất thường thấy chân răng dị dạng. Các chân răng dính lại thành một khối hoặc chẽ ra, và có nhiều hình dạng, chân có thể cong như mỏ chim hay ôm quanh thần kinh răng dưới. Chiều hướng cong queo của các chân răng được giải thích bởi những lực cơ học tác dụng lên răng trong thời kỳ răng calci hoá.
3. Một số dị dạng khác
3.1. Hạt trai men: được thành lập do sự nhíu lại (Plissement) của những lớp tế bào mô bì và mô liên kết tạo ra răng lúc răng đang được thành lập.
- Hạt trai men ở thân răng: thường nhỏ dính lên bề mặt 1 răng bình thường và dính ở gần cổ chân răng.
- Hạt trai men ở chân răng: thường to lớn, có thể có kích thước lớn hơn vả chân răng mà trên đó nó dính vào. Dễ nhầm hạt trai men chân răng với u cement hay cement quá triển.
- Núm phụ mặt nhai (tuberculated premolar, evaginated odontoma): núm phụ răng cối nhỏ được nhắc tới (Leong’s premolar) chỉ thấy được ở phương đông (Á châu), ở Trung Quốc, Nhật, Eskimo..., dị dạng này thường là một núm hoặc u nổi lên trên mặt nhai răng cối nhỏ. Núm này có thể thay đổi hình dạng, nó có thể nổi lên ngay giữa mặt nhai và bít rãnh, hoặc nó có thể nổi lên ở dốc mặt lưỡi ở múi ngoài. Nó gồm có một lớp men, kèm theo một lớp ngà bên trong với một sừng của tuỷ răng, lớn hay nhỏ tuỳ từng trường hợp. Răng cối nhỏ thứ hai hay bị nhất và thường cả hai bên.
3.2. Răng cửa Hutchinson: Trong bệnh giang mai bẩm sinh, răng cửa Hutchinson là một răng cửa giữa nhỏ, có mặt gần xa hội tụ ở bờ cắn và có bờ cắn khuyết hình móng tay.
3.3. Răng cửa có cingulum phì đại
3.4. Răng cối hình sừng bò (taurodontia) là răng cối có buồng tuỷ to và chân chia rất thấp.

About Nha Khoa Dana

Hi, I’m Phạm Minh Tuấn. I’m a doctor living in Việt Nam. I am a fan of photography, technology, and music. I’m also interested in travel and coffee. You can visit my company website with a click on the button above.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét